Đặc điểm nền kinh tế Việt Nam hiện nay Kinh_tế_Việt_Nam

Hệ thống kinh tế

Xem thêm: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Kinh tế hỗn hợp, Kế hoạch 5 năm (Việt Nam), Cổ phần hóa.So sánh quy mô kinh tế (GDP-PPP) trong nền kinh tế toàn cầu giữa Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Đông Á và Đông Nam Á, giai đoạn 1980-2014.

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp. Trong khi nền kinh tế ngày càng được thị trường hóa thì sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế vẫn còn ở mức độ cao. Hiện tại, nhà nước vẫn sử dụng các biện pháp quản lý giá cả kiểu hành chính với các mặt hàng thiết yếu như yêu cầu các tập đoàn kinh tế và tổng công ty điều chỉnh mức đầu tư, quyết định giá xăng dầu, kiểm soát giá thép, xi măng, than.[83][84] Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng[85], Đảng ra quyết định về chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho thời kỳ 10 năm và phương hướng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm để trình Quốc hội góp ý và thông qua.

Chính phủ Việt Nam tự nhận rằng kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, và nhiều nước và khối kinh tế bao gồm cả một số nền kinh tế thị trường tiên tiến cũng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.[86][87][88] Tuy nhiên, cho đến nay Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản vẫn chưa công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.[89][90] Tổ chức Thương mại Thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp và đang chuyển đổi.

Việt Nam có nhiều thành phần kinh tế. Theo cách xác định hiện nay của chính phủ, Việt Nam có các thành phần kinh tế sau: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.[52] Một trong những biện pháp mà Đảng và Chính phủ Việt Nam thực hiện để khu vực kinh tế nhà nước trở thành chủ đạo của nền kinh tế là thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng cổng ty nhà nước. Tuy nhiên, từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, Việt Nam đã liên tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù Đảng và Nhà nước chủ trương ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, song tốc độ tăng trưởng của hai thành phần này lại thấp hơn so với của kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.[91] Theo số liệu sơ bộ[92] của Tổng cục Thống kê, năm 2007, khu vực kinh tế nhà nước là khu vực lớn nhất, chiếm 36,43% GDP thực tế của Việt Nam, tiếp theo lần lượt là kinh tế cá thể (29,61 %), kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (17,66 %), kinh tế tư nhân (10,11 %).

Các chỉ số

Tính từ năm 1986 đến năm 2016, sau 30 năm, kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả sau[93][94]:

  • Trong suốt 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai đoạn đầu Đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 4,4%/năm, giai đoạn 1991-1995 GDP bình quân tăng 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000 GDP bình quân tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005 GDP tăng bình quân 7,34%/năm; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Giai đoạn 2011-2015, GDP của Việt Nam tăng chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới.
  • Quy mô nền kinh tế tăng nhanh: GDP bình quân đầu người năm 1991 chỉ là 188 USD/năm. Đến năm 2003, GDP bình quân đầu người đạt 471 USD/năm và đến năm 2017 GDP đầu người đạt gần 2.985 USD/năm. Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng.
  • Tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1992 xuống còn 7,6% cuối năm 2013[95].
  • Cơ cấu kinh tế của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp.
  • Kim ngạch ngoại thương năm 1991 là 5.156,4 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 2.087,1 triệu USD, đến năm 2016 các con số tương ứng là 333 tỷ USD và 167,83 tỷ USD, tăng 60,4 lần và 80,4 lần so với năm 1991.
  • Kinh tế nhà nước dần phát huy tốt hơn; hệ thống doanh nghiệp nhà nước từng bước được cơ cấu lại, cổ phần hóa theo Luật Doanh nghiệp và đang giảm mạnh về số lượng. Kinh tế tập thể bước đầu được Đổi mới, các hình thức hợp tác kiểu mới được hình thành phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh.
  • Trong 30 năm, Việt Nam thu hút được 310 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn này đã góp phần lớn làm tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố "Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"[96].

Tuy nhiên, các chỉ số quan trọng về kinh tế của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người thấp hơn 4 lần so với GDP bình quân đầu người chung của thế giới. Năng suất lao động, chỉ số sáng tạo của nền kinh tế, chỉ số tự do kinh tế, chỉ số hấp thụ FDI thấp hơn nhiều các nước khu vực. Tỷ lệ lao động nam và nữ chưa qua đào tạo của Việt Nam ở mức khoảng 80%. Trình độ công nghệ của Việt Nam lạc hậu 2-3 thế hệ so với thế giới và vài chục năm so với khu vực, đa số doanh nghiệp đang sở hữu công nghệ rất lạc hậu và máy móc hết khấu hao. Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân trong GDP còn ở mức thấp, trong khi tỷ lệ tham nhũng ở mức cao. Trong 30 năm, Việt Nam thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân nhưng thất bại trong mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020 như Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra khi bắt đầu Đổi mới[97]. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam vào năm 2030[98].

GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 1980-2010 (tính theo Việt Nam đồng).
  Giá thực tế hằng năm
  Giá so sánh năm 1994

Các chỉ số quan trọng về kinh tế của Việt Nam còn ở mức thấp và tụt hậu so với khu vực và thế giới:

  • GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 là 2.540 USD, thấp hơn 4.5 lần so với mức GDP bình quân đầu người chung của thế giới (11.370 USD); trong khu vực ASEAN thì thấp hơn Lào (2.690 USD), Indonesia: (3.790 USD), Philippines: (3.100 USD) và thấp hơn 4 lần so với Malaysia (10.700 USD) và gần 3 lần so với Thái Lan (7.080 USD)[99][100][101]. Năm 2019, sau khi tính toán lại, GDP đầu người của Việt Nam là 2.985 USD vào năm 2017[102] và khoảng 3.200 USD vào năm 2018, cao hơn Lào và Philippines, nhưng vẫn thấp hơn 20% so với Indonesia, chỉ bằng 30% so với Malaysia và 46% so với Thái Lan.
  • Năng suất lao động tính theo GDP đầu người của Việt Nam chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines, 87,4% của Lào và chênh lệch vẫn tiếp tục gia tăng[103], tới tháng 8/2019 năng suất của Myanmar cũng vượt Việt Nam. Năng suất lao động Việt Nam chỉ còn cao hơn Campuchia về chỉ số bình quân chung nhưng lại thấp hơn ở các ngành chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế là công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và vận tải, kho bãi, truyền thông.[104][105] Cũng có ngành công nghiệp năng suất lao động cao là khai khoáng. Nguyên nhân của tình trạng năng suất thấp không hẳn là do lao động Việt Nam mà là do cách tính: lao động phi chính thức của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn (chỉ làm 1-2 giờ/tuần vẫn được tính là có việc làm) nên chỉ số năng suất bình quân bị giảm, thứ 3 là quy mô nền kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam khá lớn (khoảng 25% GDP) nhưng chưa được tính vào số liệu chính thức[106].
  • Trình độ công nghệ của Việt Nam lạc hậu 2-3 thế hệ so với thế giới và mấy chục năm so với khu vực. Tỷ lệ doanh nghiệp trong nước đang sử dụng thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu là 52%, ở khu vực sản xuất nhỏ chiếm tới 70%[107]; 76% thiết bị máy móc công nghệ thuộc thế hệ 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang.[108]
  • Khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp 10% GDP sau hơn 30 năm đổi mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (95-96%) trong khi doanh nghiệp vừa và lớn chỉ chiếm rất ít (khoảng 1.7% và 2%), không có doanh nghiệp nào của Việt Nam là công ty đa quốc gia; hộ gia đình đóng góp 30% GDP[109].
  • Một nghiên cứu với sự tham gia của gần 500 doanh nhân Việt Nam (gồm 82,7% lãnh đạo cấp cao, 9,9% quản lý cấp trung và khác 7,4%) cho kết quả tỉ lệ nhận thức, hiểu biết về hội nhập và các hiệp định thương mại của doanh nghiệp Việt Nam thua cả Lào, Campuchia và Myanmar. Có khoảng 76% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi không biết đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), so với 26% ở Campuchia, 28% ở Lào và 36% ở Myanmar. 85,5% doanh nghiệp được khảo sát không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC, của TPP là 77,8% và của WTO là 66,3%[110].
  • Năng lực hấp thụ công nghệ, khả năng kết nối giữa thành phần kinh tế FDI với các doanh nghiệp trong nước, hệ số chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước của Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia[111].
  • Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở Việt Nam rất cao, chiếm tới 76% lao động nam và 81,6% lao động nữ.[112].

Cơ cấu kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước phân theo khu vực kinh tế thời kỳ 1990-2009, tính theo giá thực tế

Kinh tế Việt Nam được chia thành 3 khu vực (hay còn gọi 3 ngành lớn) kinh tế, đó là:

  1. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;
  2. Công nghiệp (bao gồm công nghiệp khai thác mỏ và khoáng sản, công nghiệp chế biến, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối khí, điện, nước);
  3. Thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế.

Các sản phẩm chính:[113]

  • Nông nghiệp: gạo, cà phê, cao su, chè, hạt tiêu, đỗ tương, đường trắng, chuối, lạc; các hải sản.
  • Công nghiệp: chế biến thực phẩm, dệt may, giầy dép, máy xây dựng - nông nghiệp; khai thác mỏ, than, apatit, bô xít, dầu thô, khí đốt; xi măng, phân đạm, thép, kính, xăm lốp; điện thoại di động; công nghiệp xây dựng; sản xuất điện.
  • Dịch vụ: Du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục tư nhân, y tế, chăm sóc sức khỏe, giải trí...

Tỷ lệ phần trăm các ngành đóng góp vào tổng GDP (ước tính 2015):[113]

  • Nông nghiệp 17.4%
  • Công nghiệp 38.8%
  • Dịch vụ 43.7%

Địa lý kinh tế

Các bộ, ngành của Việt Nam hiện thường chia toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thành 7 vùng địa-kinh tế, đó là: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung BộTây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cũng còn nhiều cách phân vùng kinh tế khác được áp dụng. Ở 3 miền của đất nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm[114] làm đầu tàu cho phát triển kinh tế của cả nước và vùng miền. Ở ven biển, có 20 khu kinh tế[115] với những ưu đãi riêng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước và làm động lực cho phát triển kinh tế của các vùng. Ngoài ra, dọc biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia có hơn 30 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có 9 khu kinh tế cửa khẩu được ưu tiên phát triển (Móng Cái, Lạng Sơn-Đồng Đăng, Lào Cai, Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang, Đồng Tháp).

Sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng, hay giữa thành thị và nông thôn. GDP bình quân đầu người của các tỉnh, thành năm 2007 có một số tỉnh, thành đạt trên 18 triệu đồng (Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình DươngHà Nội, Hải Phòng), từ 15 đến 18 triệu đồng (Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ) trong khi có 5 tỉnh GDP bình quân đầu người dưới 6 triệu đồng (Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà GiangBắc Kạn)[116]. Năm 2007, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế cả nước là 13,4 triệu/người, trong đó Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là 17,2 triệu, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 10,1 triệu và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 25,9 triệu.

Theo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố năm 2015, GDP bình quân đầu người của các tỉnh thành:

  • Thành phố Hồ Chí Minh: 5.538 USD/người;
  • Bà Rịa – Vũng Tàu: (trừ dầu khí) trên 5.230 USD;
  • Bắc Ninh: 5.192 USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng;
  • Quảng Ninh: 3.900 USD;
  • Cần Thơ: hơn 79 triệu đồng (3636 USD);
  • Hà Nội: 3.600 USD/người (gần 77 triệu đồng);
  • Bình Dương: đạt 72,3 triệu đồng;
  • Đồng Nai: gần 3.100 USD;
  • Vĩnh Phúc: 67 triệu đồng
  • Đà Nẵng: 62,65 triệu đồng (2908 USD);
  • Hải Phòng: 2857 USD;
  • Tây Ninh: 2.630 USD;
  • Kiên Giang: hơn 2.500 USD;
  • Lâm Đồng: 52,2 triệu đồng;
  • Quảng Ngãi đạt 2.485 USD;
  • Khánh Hòa ước đạt 2.440 USD;
  • Long An: 50,4 triệu đồng;
  • Tiền Giang: 2.145 USD;
  • Thái Nguyên: 46,4 triệu đồng;
  • Hà Tĩnh: trên 44 triệu đồng;
  • Bạc Liêu: hơn 43 triệu đồng (tương đương 2.031 USD);
  • Hà Nam: 42,33 triệu đồng;
  • Thừa Thiên – Huế: 2.000 USD;
  • Hải Dương: 2000 USD;
  • Bình Thuận: 1.864 USD;
  • Vĩnh Long: 1.862 USD;
  • Quảng Nam: 41,4 triệu đồng;
  • Ninh Bình: 41 triệu đồng;
  • Bình Định: trên 40,1 triệu đồng;
  • Hưng Yên: 40 triệu đồng;
  • Sóc Trăng: 1.800 USD;
  • Gia Lai: gần 40 triệu đồng;
  • Bình Phước: 39,8 triệu đồng;
  • Lào Cai: 39,4 triệu đồng;
  • An Giang: 39,274 triệu đồng;
  • Nam Định: 37 triệu đồng;
  • Hòa Bình: 36,5 triệu đồng;
  • Cà Mau: 1.700 USD (34 triệu đồng);
  • Hậu Giang: 36,5 triệu đồng/người (tương đương 1699 USD);
  • Đắk Nông: 36,4 triệu đồng;
  • Đắk Lắk: khoảng 35 triệu đồng;
  • Lạng Sơn: 34,76 triệu đồng;
  • Bến Tre: 34,7 triệu đồng;
  • Quảng Trị: 34 triệu đồng;
  • Kon Tum: 1.555 USD;
  • Trà Vinh: 33,4 triệu đồng;
  • Bắc Giang: 1.545 USD;
  • Thanh Hóa: 1.530 USD;
  • Phú Yên: 33 triệu đồng
  • Đồng Tháp: 32,6 triệu đồng;
  • Thái Bình: khoảng 1.410 USD;
  • Tuyên Quang: 1.368 USD;
  • Phú Thọ: 29,5 triệu đồng;
  • Nghệ An: 29 triệu đồng;
  • Ninh Thuận: 28,8 triệu đồng;
  • Quảng Bình: 28 triệu đồng;
  • Sơn La: 1.257 USD (tương đương 26,4 triệu);
  • Yên Bái: hơn 25 triệu đồng;
  • Bắc Kạn: 24,4 triệu đồng;
  • Điện Biên: 23,6 triệu VNĐ (1.130 USD);
  • Cao Bằng: 20,8 triệu đồng;
  • Lai Châu: 18,2 triệu đồng;
  • Hà Giang: 17,64 triệu đồng.

GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD.

Theo đánh giá tại các Đại hội Đảng cấp tỉnh 2020 (ước tính đến hết nhiệm kỳ), xếp đầu về GRDP / người là Bà Rịa - Vũng Tàu GRDP bình quân đầu người đạt 6.903 USD cao nhất cả nước, nhưng không có báo cáo tính cả dầu khí (nếu tính có thể thấp hơn ?), xếp tiếp theo là Quảng Ninh hơn 6.700 USD /người, Bình Dương 155,7 triệu đồng / người tức khoảng 6.600 USD (?), TP.HCM 6.328 USD/người, Bắc Ninh 5.900 USD/người, Hải Phòng 5.863 USD / người, Hà Nội 5.420 USD / người, Đồng Nai 5.300 USD / người, Vĩnh Phúc 105 triệu đồng/người (4.530 USD/ người ?), Cần Thơ 97,2 triệu đồng (4.186 USD / người ?), Thái Nguyên 90 triệu đồng (3.884 USD / người ?), Đà Nẵng 3.693 USD / người, Hưng Yên 79,57 triệu đồng / người (3.428 USD / người ?) Long An 77 triệu đồng / người (3.322 USD / người ?), Lào Cai 76,3 triệu / người (3285 USD/ người ?), Khánh Hòa 73,31 triệu đồng / người (3.150 USD / người ?), Tây Ninh 3.135 USD/ người, Quảng Nam 72,4 triệu đồng / người (3.110 USD/người ?), Hải Dương 68,9 triệu đồng / người (3.020 USD / người) ... thấp nhất là Bắc Kạn 40 triệu đồng / người (1725 USD / người ?), Điện Biên hơn 38 triệu đồng/người (1.640 USD/ người), Cao Bằng 37,2 triệu đồng/người (1.600 USD/ người), Hà Giang 30 triệu đồng / người (1.300 USD / người ?). Các số liệu này không phản ánh chính xác mức sống nhưng là cơ sở để so sánh sự phát triển của mỗi địa phương.

Các tỉnh thành tăng trưởng cao nhất nhiệm kỳ 2015-2020: Hải Phòng (14,02%/năm), Bắc Giang (14%/năm), Thanh Hóa (12,1%/năm), Trà Vinh (11,95%), Lai Châu (11,55%/năm), Thái Nguyên (11,1%/năm), Quảng Ninh (10,7%), Ninh Thuận (10,2%/năm), Cao Bằng (10,2%/năm), Hà Nam (10,1%/năm), Quảng Nam 9,53%/năm, Bình Dương (9,35%/năm), Kon Tum 9,13%/năm, Long An 9,11%/năm, Lào Cai 9,08%... Thấp nhất là Vĩnh Long 4,9%, Quảng Ngãi 4,83%, Đà Nẵng 4%/năm. Đóng góp nhiều nhất cho GDP cả nước là TP.HCM hơn 22,2% cả nước, Hà Nội hơn 16% GDP cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu xếp ba. Đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất nhiệm kỳ tiếp theo là Hải Phòng tối thiểu 14,5%/năm, Bắc Giang 14 - 15% / năm. Chỉ tiêu GRDP/người cao nhất đến 2025 là Hải Phòng là 11.800 USD, Bà Rịa - Vũng Tàu 10.370 USD, Quảng Ninh trên 10.000 USD, Bình Dương 210 - 215 triệu đồng (trên 9.200 USD ?),...

Xem thêm: Đại hội đại biểu Đảng bộ trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2020 -2025

Kinh tế vĩ mô – tài chính

GDP Việt Nam tính theo phần trăm của Hàn Quốc

Năm 2008, tỷ lệ lạm phátViệt Nam ước khoảng 22,97%[117], cao hơn nhiều mức Quốc hội đề ra là dưới 8,5 – 9% trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế tính theo đơn vị tiền tệ quốc gia của Việt Nam năm này là 6,18%[118], thấp hơn mức Quốc hội đề ra là trên 7,5 – 8%. Những lo ngại về lạm phát tăng tốc nhanh trong năm 2007 và nửa đầu năm 2008 đã khiến Chính phủ quyết định thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài chính cũng như tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

Thu chi ngân sách nhà nước được điều chỉnh bởi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp lý khác. Kỳ họp cuối năm là lúc Quốc hội phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau. Các cấp ngân sách nhà nước đều có nguồn thu riêng. Ngoài ra còn có một số nguồn thu chung - là nguồn thu của ngân sách cấp trên chia cho ngân sách cấp dưới.

Hiện Việt Nam có 2 sở giao dịch chứng khoán, 1 ở Hà Nội và 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại HOSE có 172 cổ phiếu được niêm yết và sử dụng chỉ số giá chứng khoán Vn-Index; ngoài ra còn có 68 trái phiếu và 4 chứng chỉ quỹ.[119] Tại HNX-Index có 170 cổ phiếu được niêm yết và sử dụng chỉ số HNX-Index; ngoài ra còn có 531 loại trái phiếu.[120] Bên cạnh cổ phiếu được niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết (ở Việt Nam quen gọi là cổ phiếu OTC) cũng được giao dịch rất nhiều. Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện chỉ có các loại trái phiếu (định danh bằng đồng hoặc dollar Mỹ) do chính phủ, kho bạc nhà nước và chính quyền một số tỉnh, thành phố phát hành; chưa có trái phiếu doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã phát hành và niêm yết trái phiếu chính phủ tại thị trường chứng khoán nước ngoài. Người nước ngoài được phép mua bán chứng khoán Việt Nam. Cho tới nay, năm 2006 là năm sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việt Nam có 43 ngân hàng thương mại trong nước và 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Namngân hàng trung ương của Việt Nam có văn phòng tại tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.

Ngân hàng Nhà nước đang quản lý tương đương 20,7 tỷ dollar dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam (tính vào thời điểm ngày 19/6/2008). Ngân hàng này quản lý tỷ giá hối đoái chính thức của Việt Nam thông quan can thiệp vào giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng để tác động tới tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tỷ giá tính thuế xuất nhập khẩu.[121] Bộ Tài chính (Việt Nam) cũng công bố một tỷ giá chính thức nữa để phục vụ hạch toán ngoại tệ.[122] Ngoài các loại tỷ giá hối đoái chính thức nói trên, Việt Nam còn có tỷ giá hối đoái không chính thức thường áp dụng trong giao dịch ngoại tệ tại các cửa hàng kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, đá quý của tư nhân.

Kinh tế đối ngoại – hội nhập kinh tế

Xem thêm: Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, Tổ chức ACMECS, Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng, Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, AFTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp ngày càng tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị đầu tư thực tế và giá trị giải ngân thấp hơn nhiều so với giá trị đăng ký. Tính theo giá trị lũy kế từ năm 1988 đến hết năm 2007, công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực thu hút được nhiều FDI nhất – 67% số dự án và 60% tổng giá trị FDI đăng ký. Sau đó đến khu vực dịch vụ - 22,3% về số dự án và 34,3% về giá trị. Trong 82 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, các nước đầu tư nhiều nhất tính theo giá trị FDI đăng ký lần lượt là Hàn Quốc, Singapore, Đài LoanNhật Bản. Còn theo giá trị FDI thực hiện thì Nhật Bản giữ vị trí số một. Các tỉnh, thành thu hút được nhiều FDI (đăng ký) nhất lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.[123] Riêng năm 2008, chỉ số FDI mới đăng ký (nghĩa là không tính số xin phép tăng vốn phát sinh trong năm) đạt 32,62 tỷ dollar.[124] Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài tới 37 quốc gia và lãnh thổ, nhiều nhất là đầu tư vào Lào. Tính đến hết năm 2007, có 265 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ dollar và vốn thực hiện khoảng 800 triệu dollar. Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chiếm phần lớn, tiếp theo là nông, lâm nghiệp.[125]

Việt Nam bắt đầu chủ trương hội nhập kinh tế từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), chủ trương này càng được đẩy mạnh. Hội nhập kinh tế của Việt Nam diễn ra ngày càng nhanh chóng và sâu rộng. Từ chỗ chỉ hợp tác thương mại thông thường đã tiến tới hợp tác kinh tế toàn diện, từ chỗ hợp tác song phương đã tiến tới hợp tác kinh tế đa phương. Cho đến giữa năm 2007, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế với 224 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã ký hơn 350 hiệp định hợp tác phát triển song phương, 87 hiệp định thương mại, 51 hiệp định thúc đẩy và bảo hộ đầu tư, 40 hiệp định tránh đánh thuế hai lần, 81 thỏa thuận về đối xử tối huệ quốc.[126][127] Đỉnh cao về hợp tác kinh tế song phương là việc ký Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, còn về hợp tác kinh tế đa phương là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với tiêu chuẩn "WTO Plus", nghĩa là chấp nhận các đòi hỏi về tự do hóa thương mại (hàng hóadịch vụ), đầu tư, mua sắm của chính phủ cao hơn so với mức độ quy định trong các văn kiện có hiệu lực đang áp dụng của WTO.

Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011), Pháp và Ý (2013). Trong số này, một số mối quan hệ như với Đức, Trung Quốc và Liên bang Nga đã được nâng lên tầm "đối tác chiến lược toàn diện". Ngoài ra, từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ "đối tác toàn diện" với Australia.

Khu vực kinh tế phi chính thức

Khu vực kinh tế phi chính thức và lao động phi chính thức phổ biến ở Việt Nam

Là một nước đang phát triển, các hoạt động kinh tế phi chính thức (các giao dịch mua bán, sản xuất không có đăng ký và hóa đơn để thống kê) ở Việt Nam khá phổ biến. Nếu tính cả khu vực phi chính thức thì quy mô nền kinh tế sẽ tăng thêm khá nhiều so với thống kê GDP chính thức.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh luận về quy mô thực của khu vực kinh tế này. Một nghiên cứu chung giữa Tổng cục Thống kê Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (hoạt động kinh tế ngoài nông-lâm-ngư nghiệp của cá nhân, hộ gia đình không phải hoặc chưa đăng ký) chiếm 27,7% lực lượng lao động trong toàn quốc; chiếm 55,7% số lao động phi nông nghiệp, và tạo ra giá trị sản lượng tương đương 20% GDP.[128].

Tương tự, Ngân hàng Thế giới ước tính khu vực kinh tế phi chính thức có giá trị tương đương 15,6% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam. Tuy nhiên, con số này bị nhà kinh tế học Lê Đăng Doanh cho là không hợp lý với một nền kinh tế có mức độ phát triển như Việt Nam. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng khu vực kinh tế phi chính thức có giá trị khoảng 30 - 50% giá trị của tổng sản phẩm nội địa, ít nhất là cao gấp đôi con số của Ngân hàng Thế giớiTổng cục Thống kê Việt Nam.[129]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh_tế_Việt_Nam http://vietnamese.cri.cn/481/2011/02/14/1s151579.h... http://www.asiapacificms.com/papers/pdf/gt_opium_t... http://www.bbc.com/vietnamese/business/2015/02/150... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/10/1510... http://www.businessinsider.com/countries-most-like... http://www.economist.com/content/global_debt_clock http://www.pwc.com/vn/en/releases2008/vietnam-may-... http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-fit... http://kenh12.info/tai-chinh/ http://www.f.waseda.jp/tvttran/en/recentpapers/E03...